Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang Nhật
Hạt tiêu là gia vị có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, được dùng trong việc chế biến nhiều món ăn khác nhau. Hạt tiêu có nhiều tác dụng cho sức khỏe như giúp ăn ngon miệng, giúp tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng trong thức ăn, có tác dụng kháng khuẩn và giảm các vấn đề về răng lợi, giúp giảm cân duy trì vóc dáng…, do vậy người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn có chứa hạt tiêu hoặc sử dụng hạt tiêu làm gia vị khi chế biến thực phẩm tại nhà. Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu hạt tiêu từ một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Việt Nam…
 

Bảng 1. Top các nước xuất khẩu hạt tiêu chưa xay hoặc nghiền
sang Nhật Bản năm 2020

Quốc gia

Khối lượng (tấn)

So với 2019

Giá trị (triệu Yên)

So với 2019

Malaysia

2.934

-3%

1.025

-11%

Indonesia

1.456

-6%

647

-18%

Việt Nam

683

7%

469

35%

Ấn Độ

172

-55%

136

-53%

Trung Quốc

24

322%

36

339%

Tổng

5.346

-6%

2.399

-12%

Nguồn: Hải quan Nhật Bản

Đối với hạt tiêu chưa xay hoặc nghiền, năm 2020 Việt Nam xếp thứ 3 về khối lượng, xếp thứ 3 về giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản. Đặc biệt trong khi các quốc gia xuất khẩu hạt tiêu nhiều nhất sang Nhật Bản là Indonesia và Malaysia đều ghi nhận sự suy giảm cả về khối lượng và về giá trị thì Việt Nam lại ghi nhận mức tăng 7% về khối lượng, tăng 35% về giá trị.

Bảng 2. Top các nước xuất khẩu hạt tiêu đã xay hoặc nghiền
sang Nhật Bản năm 2020

Quốc gia

Khối lượng (tấn)

So với 2019

Giá trị (triệu Yên)

So với 2019

Indonesia

1.533

-3%

795

-11%

Việt Nam

1.822

11%

750

4%

Malaysia

691

-8%

457

-11%

Ấn Độ

16

-56%

13

-52%

Đức

8

-12%

9

-26%

Tổng

4.083

2%

2.038

-7%

Nguồn: Hải quan Nhật Bản

Đối với hạt tiêu đã xay hoặc nghiền, năm 2020 Việt Nam xếp thứ nhất về khối lượng, xếp thứ 2 về giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong khi Indonesia,  Malaysia đều ghi nhận sự suy giảm cả về khối lượng và về giá trị thì Việt Nam lại ghi nhận mức tăng 11% về khối lượng, tăng 4% về giá trị. Điều này chứng tỏ hạt tiêu Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và có nhiều cơ hội gia tăng hơn nữa thị phần tại thị trường Nhật Bản.

Việc nhập khẩu hạt tiêu vào thị trường Nhật Bản phải đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Luật Vệ sinh Thực phẩm, cũng như các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu theo Danh mục các hóa chất nông nghiệp được phép sử dụng tại Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng quan tâm và có độ nhạy cảm cao đối với chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Thuốc bảo vệ thực vật hay chất bảo quản sử dụng đối với hạt tiêu phải được quản lý một cách thống nhất, an toàn trong mọi khâu từ trồng trọt, bảo quản, chế biến, đóng gói, vận chuyển đến xuất khẩu sản phẩm. Luật pháp Nhật Bản rất khắt khe đối với các trường hợp hàng nhập khẩu vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các trường hợp đã bị cảnh cáo trước đó mà vẫn để tái diễn vi phạm, Cơ quan Hải quan Nhật Bản sẽ yêu cầu tăng tần suất và mức độ kiểm tra bắt buộc đối với mọi lô hàng của mọi nhà xuất khẩu sản phẩm cùng loại từ quốc gia có vi phạm. Điều này có thể làm phát sinh rất nhiều thời gian và chi phí không cần thiết cho các nhà xuất khẩu và làm giảm sức cạnh tranh của hạt tiêu Việt Nam.

Nhật Bản có hệ thống phân phối phức tạp với nhiều tầng lớp trung gian, thực phẩm Việt nói chung và hạt tiêu Việt Nam không dễ để có thể được bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà cần phải thông qua các đầu mối nhập khẩu lớn. Tại Nhật Bản, hạt tiêu nhập khẩu từ nước ngoài được các đầu mối nhập khẩu phân phối tới các nhà bán buôn trung gian hoặc các nhà sản xuất gia vị/chế biến thực phẩm, sau đó được phân phối tới kênh bán lẻ và các chuỗi nhà hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phát sinh từ đầu năm 2020 vẫn đang có những diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động trao đổi thương mại song phương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã và đang hết sức nỗ lực trong công tác xúc tiến và quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng thực phẩm Việt Nam tại Nhật Bản. Quy định hạn chế đi lại của nước sở tại khiến các đoàn doanh nghiệp Việt Nam không thể sang tham dự trực tiếp các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại Nhật Bản như trước đây, do vậy Thương vụ đã kêu gọi các doanh nghiệp gửi hàng mẫu để trưng bày tại gian hàng Thương vụ trong các sự kiện như FOODEX - Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm và đồ uống lớn nhất Nhật Bản, cũng như một số sự kiện khác được tổ chức trong năm vừa qua. Thương vụ cũng tổ chức trưng bày hàng mẫu tại Phòng trưng bày nằm trong khuôn viên Đại sứ quán để giới thiệu tới khách Nhật mỗi khi đón họ tới thăm và làm việc. Ngoài ra, thông qua sự kết nối của Thương vụ, nhiều sản phẩm hạt tiêu Việt Nam đã được giới thiệu tới các công ty Nhật Bản có nhu cầu và được kỳ vọng sẽ chính thức được nhập khẩu vào Nhật Bản trong thời gian sắp tới.

 
 
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Quảng cáo