Thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh dịch Covid-19
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021 gặp khó do làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 3, lần thứ 4 bùng phát với biến thể Delta khó lường. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cố gắng nỗ lực duy trì việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào trong nước, cả về chất và lượng.
 
 

1. Tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19

Theo thống kê của Cục ĐTNN, Bộ KHĐT, trong 8 tháng đầu 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn - mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 19,1 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó vốn đăng ký mới tiếp tục duy trì đà tăng, vốn điều chỉnh tăng nhẹ trở lại sau khi giảm trong 7 tháng, và góp vốn - mua cổ phần dù tiếp tục giảm song mức giảm cũng đang được cải thiện.

- Theo lĩnh vực đầu tư: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, xếp theo thứ tự: (1) Công nghiệp chế biến, chế tạo: tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; (2) Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện: gần 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7%; (3) Lĩnh vực kinh doanh bất động sản: gần 1,6 tỷ USD; (4) Bán buôn, bán lẻ: trên 734 triệu USD.

- Theo đối tác đầu tư: đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, xếp theo thứ tự: (1) Singapore: tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5% so với cùng kỳ 2020; (2) Nhật Bản: trên 3,2 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư, tăng 94,9% so với cùng kỳ; (3) Hàn Quốc: trên 2,4 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư, giảm 17,8% so với cùng kỳ… Có thể thấy trong các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 8 tháng 2021 thì chỉ có vốn từ Nhật Bản tăng trưởng dương ở mức rất cao so với cùng kỳ năm 2020, trong khi từ các đối tác khác có xu hướng giảm.

- Theo địa bàn đầu tư: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, xếp theo thứ tự: (1) Long An: tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; (2) TP. HCM: gần 2,2 tỷ USD, chiếm 11,4%; (3) Bình Dương: gần 1,7 tỷ USD, chiếm 8,7%. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội…

Nếu xét về số dự án, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. HCM, Hà Nội, Bắc Ninh... Trong đó, TP. HCM dẫn đầu về số dự án mới (tỷ trọng 34%), số lượt dự án điều chỉnh (18,3%) và góp vốn – mua cổ phần (59,8%); Hà Nội xếp thứ 2 về số dự án mới (21,5%), số lượt dự án điều chỉnh (14,2%) và góp vốn – mua cổ phần (12,1%).

Cũng theo thống kê, tính 8 tháng đầu 2021, ước tính các dự án đã giải ngân được 11,6 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021. Tuy nhiên tính lũy kế 8 tháng vẫn có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Có thể thấy tính đến thời điểm này của năm 2021, dòng vốn đầu tư FDI từ nước ngoài vào Việt Nam không nằm ngoài xu hướng ảm đạm, suy giảm chung của dòng vốn đầu tư FDI trên thế giới (do các tác động xấu từ dịch Covid-19). Tuy nhiên lượng vốn FDI vào Việt Nam nói chung chỉ suy giảm ở mức thấp so với cùng kỳ 2020, trong khi vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng lại có sự gia tăng.

2. Xu hướng M&A trong thu hút đầu tư vào Việt Nam trong tình hình mới

- Thực trạng M&A tại Việt Nam hiện nay

Trong những năm gần đây nền kinh tế thế giới chứng kiến làn sóng M&A diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn, không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi các quốc gia có nền kinh tế phát triển mà đã lan toả sang các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Thị trường M&A tại Việt Nam cũng diễn ra sôi động với khá nhiều thương vụ lớn, trở thành điểm đến M&A hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Hoạt động M&A tại Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ trong suốt 10 năm từ 2007-2017 và đạt đỉnh năm 2017 với quy mô 10 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp 50% giá trị là từ thương vụ Thai Beverage mua lại Sabeco. Giá trị M&A có xu hướng điều chỉnh giảm trong 2 năm 2018-2019. Năm 2020, do tác động bởi dịch Covid-19, hoạt động M&A trên thế giới và Việt Nam có xu hướng giảm mạnh và hoạt động này được dự báo sẽ phục hồi trở lại vào cuối năm 2021.

Trong xu thế dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc từ giữa năm 2020, nhiều nhà ĐTNN chọn Việt Nam làm điểm đến chuyển hướng đầu tư kinh doanh. Các yếu tố giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn gồm: sự ổn định chính trị, kinh tế 2020 đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh hầu hết các nước tăng trưởng âm khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu. Hơn nữa, với dân số gần 100 triệu dân, cùng với lực lượng lao động dồi dào, Việt Nam được coi là thị trường tiêu thụ lớn. Trong làn sóng chuyển hướng này, M&A ngày càng được coi trọng hơn với nguyên nhân chính là do việc xây dựng nhà máy lại từ đầu cũng khiến nhà đầu tư tốn nhiều thời gian, chi phí, vì vậy, việc tận dụng các nhà máy sẵn có của Việt Nam sẽ giúp nhà ĐTNN không bị gián đoạn, nhanh chóng vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong giai đoạn 2019-2020, các ngành chủ yếu thu hút M&A tại Việt Nam là bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ. Ngoài ra cũng có một số thương vụ M&A đáng chú ý trong các ngành: logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng.

Tỷ trọng giá trị M&A của khối doanh nghiệp nội có xu hướng tăng trong thời gian qua. Năm 2018, tỷ trọng giá trị các thương vụ M&A do các doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua chỉ ở mức gần 12%, và tỷ trọng 88% còn lại thuộc về nhà ĐTNN. Giai đoạn 2019-2020, giá trị M&A do các doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua tăng lên, chiếm 1/3 tổng giá trị M&A được thực hiện. Một số thương vụ M&A lớn mà doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trong thời gian qua liên quan đến các tập đoàn Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group…

Đối với khối ngoại, thị trường M&A tiếp tục được dẫn đầu bởi các nhà đầu tư đến từ 4 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Giai đoạn 2019–2020 ghi nhận nhiều thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản trong các lĩnh vực chính là bất động sản, xây dựng, tài chính - ngân hàng và dược phẩm - y tế. Một số thương vụ M&A đáng chú ý của các nhà đầu tư Nhật Bản có thể kể đến như Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% trong giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba; Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…

- Dự báo xu hướng M&A trong trạng thái bình thường mới

Trong bối cảnh giá trị M&A toàn cầu năm 2020 suy giảm mạnh. Việt Nam được đánh giá là ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên trong trạng thái bình thường mới, hoạt động M&A tại Việt Nam cũng sẽ chịu những tác động nhất định, cả tích cực và tiêu cực.

Các tác động tích cực gồm:

(i) Có nhiều lựa chọn hơn cho bên mua (đặc biệt những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt) bởi lẽ khủng hoảng khiến nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc, kêu gọi đầu tư, bán bớt một phần hoặc toàn bộ công ty con.

(ii) Cơ hội để bên mua có thể mua lại với giá rẻ hơn khi kết quả định giá thay đổi, đồng thời bên bán sẽ phải chấp nhận mức giá bán thấp hơn so với kỳ vọng do gặp sức ép khó khăn tài chính.

(iii) Cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề chính, cắt giảm các khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả.

(iv) Thời gian đàm phán bị kéo dài cũng có điểm tích cực là giúp bên mua có thêm thời gian để tìm hiểu, đánh giá tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp mà mình sắp mua lại.

Các tác động tiêu cực:

(i) Bên mua, bên tư vấn không thực hiện được công tác thẩm định chi tiết, hoặc đàm phán do chính sách cách ly được áp dụng nghiêm ngặt tại Việt Nam.

(ii) Bên mua gặp khó khăn về tài chính nên chỉ tập trung vào ngành nghề chính, hủy bỏ các thương vụ mua lại ngoài ngành.

(iii) Giá chào mua thấp hơn kỳ vọng khiến hai bên không chốt được thương vụ, đặc biệt là những thương vụ đã được định giá ở mức cao hơn từ trước khi có dịch Covid-19.

(iv) Nhiều yếu tố không chắc chắn của cả bên mua và bên bán dẫn đến giao dịch khó thành công hơn trong giai đoạn này.

Các chuyên gia dự báo quy mô thị trường M&A tại Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 4,5 - 5 tỷ USD, hồi phục trở lại tương đương mức bình quân giai đoạn 2014-2017. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A, trong khi các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được đánh giá có tiềm năng hứa hẹn trong một vài năm tới. Về đối tác, các nhà đầu tư từ châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore được dự đoán sẽ tiếp tục chiếm ưu thế… Nhiều cơ hội sẽ được mở ra cho thị trường M&A gồm: sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn; ưu đãi cắt giảm thuế cùng các tác động tích cực từ các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA; việc sửa đổi một loạt các luật quan trọng mới về đầu tư kinh doanh trong đó, có các quy định mới cởi mở hơn, minh bạch hơn cho hoạt động M&A; việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị…

3. Một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài

Các nhà đầu tư trên thế giới đang quan tâm nhiều đến Việt Nam như một địa điểm chuyển hướng đầu tư trong điều kiện bình thường mới hậu Covid-19. Do vậy, để chuẩn bị đón dòng vốn FDI dịch chuyển, Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh. Bên cạnh đó chính quyền các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính… Xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị hoặc đạt tỷ lệ nội địa hóa cao… Tập trung nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước láng giềng trong việc đón làn sóng FDI dịch chuyển, Việt Nam hy vọng sẽ đáp ứng được các yêu cầu và kế hoạch đầu tư nhiều tham vọng của các nhà đầu tư lớn.

Trong thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, dịch bệnh Covid-19, nhất là làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam có thể làm gia tăng tâm lý phân vân, e ngại của giới đầu tư. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, sản xuất của các nhà máy bị ngưng trệ, công nhân mất việc làm, chi phí logistic tăng cao khiến doanh nghiệp không có đủ hàng hoặc không kịp giao hàng có đối tác dẫn đến bị phạt hợp đồng, chịu thiệt hại nặng nề. Các chuyên gia cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện với những giải pháp hiệu quả, sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến một số doanh nghiệp sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam.

Tuy vậy, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này theo nhiều chiều hướng, và phải đặt trong mối tương quan so sánh với các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Covid-19 là câu chuyện của toàn thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam. Đúng là hiện nay Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát dịch do biến chủng mới nhưng đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thu hút FDI sụt giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực, các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan… có tỷ lệ giảm mạnh hơn Việt Nam rất nhiều. Ngoài ra trong năm 2020, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương, đồng thời được đánh giá cao về hiệu quả chống dịch.

Đầu tư nước ngoài là hoạt động mang tính dài hạn, các nhà ĐTNN đã nghiên cứu rất kỹ trước khi bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam, nên cũng không phải vì gặp những khó khăn trong ngắn hạn sẽ làm thay đổi hoàn toàn các quyết định và kế hoạch đầu tư. Việc FDI dao động vào thời điểm dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay là điều rất bình thường, và dòng tiền đầu tư sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế của Việt Nam phục hồi. Chính phủ Việt Nam hiện cũng đang nỗ lực hết sức để giải quyết tình hình khó khăn, nhằm đạt được sự cân bằng giữa hiệu quả chống dịch và phát triển kinh tế. Các nhà ĐTNN cũng nên kiên nhẫn chờ đợi nền kinh tế của Việt Nam sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại.

Để níu chân và thu hút thêm nhiều nhà ĐTNN, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách, hoàn thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng cần có sự linh hoạt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó không chỉ cần đẩy mạnh tốc độ và hiệu quả tiêm vaccine cho người lao động, giãn thuế - giảm thuế nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất trở lại, sớm giải quyết các khó khăn về logistic và chuỗi cung ứng, giảm thiểu tối đa những tác hại bất lợi từ dịch Covid-19, Chính phủ cũng nên xem xét giảm thời gian giãn cách, đồng thời tạo thuận lợi để các chuyên gia, nhà ĐTNN đến Việt Nam làm việc, khảo sát môi trường đầu tư và triển khai dự án. “Trong nguy có cơ”, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát là có thể nhanh chóng hồi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư trong bối cảnh các nhà ĐTNN đang tìm kiếm một điểm đến đầu tư an toàn và hiệu quả.

 
 
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Quảng cáo