Gần Tết, đưa đặc sản xuất ngoại
Cách Tết Nguyên đán từ 1-2 tháng là thời điểm các cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất đặc sản của Đồng Nai gấp rút hoàn thành các đơn hàng để đưa đi xuất khẩu.

Những đặc sản của Đồng Nai có thể đưa đi xuất khẩu là sợi hủ tiếu, bún, phở khô, miến, bánh tráng, bánh gai, cốm, sắn dây... Trong đó, có những sản phẩm xuất khẩu trực tiếp, có những sản phẩm xuất khẩu gián tiếp.

Cố gắng khôi phục sản xuất

Cuối năm là mùa sản xuất của các mặt hàng đặc sản để đưa đi xuất khẩu. Năm nay, hàng đặc sản tiêu thụ khó khăn hơn nên ngoài cố gắng tìm thêm thị trường xuất khẩu, các cơ sở tăng tiêu thụ nội địa để bù lại. Hiện cũng có cơ sở hồi phục sản xuất như năm trước, song cũng có cơ sở giảm công suất 20-30%. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Kim Minh (TP.Biên Hòa) cho hay:  “Công ty chuyên sản xuất các loại bánh tráng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga và bán ở thị trường nội địa. Trước đây, vào dịp cuối năm công ty phải tăng công suất 30-40% mới đủ sản phẩm cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước. Nhưng năm nay, xuất khẩu khó khăn, DN phải tìm thêm khách hàng nội địa nhưng vẫn chưa khôi phục sản xuất như năm trước”. Năm 2019, thời điểm gần Tết Công ty TNHH Hoàng Kim Minh sản xuất 2-3 tấn bánh tráng/ngày mới đủ lượng hàng bán cho các cơ sở sản xuất chả giò trong nước và đưa đi xuất khẩu.

Công ty TNHH MTV Sản xuất thực phẩm thương mại Đông Nhi (H.Trảng Bom) là DN nổi tiếng với sản phẩm sợi hủ tiếu, phở, bún, bánh đa. Hiện các đặc sản trên đã xuất vào 4-5 quốc gia, vùng lãnh thổ và được người tiêu dùng khá ưa thích. Thị trường tiêu thụ chính của Công TNHH MTV sản xuất thực phẩm thương mại Đông Nhi là Australia, Đài Loan. “Công ty sản xuất 1,3-1,5 tấn/ngày gồm sợi hủ tiếu, bánh đa, bún khô, miến để xuất khẩu. Vào dịp gần Tết Nguyên đán, nhu cầu của mặt hàng này thường tăng 20-30%. Năm nay, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng công ty chỉ mất tháng 7 cao điểm của dịch nên không xuất được hàng ở một số thị trường. Hiện sản xuất, xuất khẩu đã khôi phục lại tương đương năm trước” - ông Trần Trọng Nguyễn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thực phẩm thương mại Đông Nhi chia sẻ.

Đồng Nai có vùng đặc sản khá nổi tiếng trong và ngoài nước thuộc địa bàn TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Ngày trước, phần lớn các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công, sản lượng không nhiều. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, một số cơ sở thành lập DN đưa máy móc vào một số công đoạn để sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và số lượng lớn mới đủ cung ứng cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, các tỉnh, thành khác trong cả nước và người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên, có những sản phẩm người tiêu dùng đòi hỏi hầu hết các khâu phải làm thủ công để giữ nguyên hương vị.

* Thị trường chuộng sản phẩm thủ công

Các sản phẩm đặc sản của làng nghề ở Đồng Nai sở dĩ vẫn giữ chân được nhiều khách hàng trong và ngoài nước là vì những khâu quan trọng vẫn được làm thủ công. Do đó, sản phẩm làm ra sẽ có mùi vị ngon và đậm đà hơn những vùng khác. Để giữ được điều này, các cơ sở phải cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao. Quá trình sản xuất, mỗi khâu đều được chăm chút để sản phẩm làm ra đạt được yêu cầu của khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Anh ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) cho biết: “Gia đình tôi có nghề làm sợi hủ tiếu khô hơn 60 năm. Hàng làm ra cung cấp cho rất nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh, có những đại lý mua hàng từ cơ sở của tôi về đóng gói và xuất khẩu. Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mặt hàng này tăng gấp 2 lần ngày thường nên gia đình tôi dù tăng công suất cũng không đáp ứng đủ”. Hiện đang vào mùa cao điểm sản xuất nên nhiều khách hàng tăng đơn hàng với gia đình bà Anh thêm 50-100%. Tuy nhiên, bà Anh chỉ tăng công suất khoảng 30% để đảm bảo sản phẩm làm ra vẫn giữ được chất lượng. Theo bà Anh, sợi hủ tiếu của cơ sở bà được khách hàng đón nhận là vì nhiều khâu vẫn làm thủ công.

Lợi nhuận từ làm các đặc sản không cao, nhiều gia đình, cơ sở đã bỏ nghề hoặc giảm sản lượng dù nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Đơn cử như: sản phẩm bánh tráng Thạnh Phú được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng hiện chỉ còn 2-4 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ (giảm 80%) và người giữ nghề đa số đã lớn tuổi.

Chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) kể: “Trước đây, gia đình tôi có làm bánh tráng. Nghề này phải thức khuya, dậy sớm, nhiều công đoạn làm thủ công rất vất vả  nhưng thu nhập chỉ được 120-140 ngàn đồng/ngày nên gia đình tôi đã chuyển sang làm nghề khác thu nhập cao gấp 1,5-2 lần”. Đây cũng là lý do khiến bánh tráng Thạnh Phú có thương hiệu nhiều năm đang mai một, dù thị trường tiêu thụ không thiếu.

Ngoài ra, gần Tết, nhiều cơ sở Đồng Nai sản xuất bánh gai, bánh chưng, bánh cốm, cốm, bột sắn dây... đưa đi xuất khẩu và dự kiến năm nay lượng hàng sản xuất tiêu thụ xấp xỉ năm trước.

Quảng cáo