Quảng bá du lịch bằng đặc sản
Là địa phương được ưu đãi nhiều điểm mạnh từ vị trí địa lý đến điều kiện khí hậu tự nhiên, cùng với những đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Đồng Nai đã tạo nên hình ảnh của một tỉnh công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch phát triển khá đồng bộ.

Những thế mạnh này trở thành “sản phẩm đặc trưng” của Đồng Nai trong khu vực Đông Nam bộ cũng như cả nước, đang ngày càng được hoàn thiện về chất lượng cũng như chiến lược phát triển về kinh tế - xã hội xứng tầm trong những năm tới.

* Khai thác thế mạnh đặc thù

Là tỉnh nằm trong tứ giác phát triển trọng điểm của vùng Đông Nam bộ nên Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, từ công nghiệp đến nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, giải trí…tạo nên những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương như: TP.Biên Hòa với các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm; H.Tân Phú, Vĩnh Cửu hướng đến phát triển du lịch sinh thái rừng, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; H.Xuân Lộc, TP.Long Khánh với mô hình du lịch sinh thái vườn, vùng đặc sản trái cây…

Theo thống kê của UBND TP.Biên Hòa, những năm qua, kinh tế của thành phố luôn đạt mức tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tăng bình quân 12,85%/năm. Bên cạnh những giá trị về công nghiệp, dịch vụ, một số khu du lịch, vui chơi giải trí, sản phẩm du lịch đường sông được đầu tư,  nâng cấp thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Không có lợi thế về công nghiệp nhưng những năm gần đây, H.Tân Phú lại thu hút mạnh sự phát triển về các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như: sầu riêng Phú An, bưởi da xanh Tà Lài, làng trầm hương. Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tình hình chung, những năm trước đó, lượng khách và doanh thu từ du lịch của huyện tăng khá mạnh, vượt kế hoạch từ 20-50% mỗi năm. Những mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, homestay… phát triển khá nhanh do Tân Phú có lợi thế về rừng, thác, hồ như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, Làng đồng bào dân tộc, Nhà dài ở xã Tà Lài thu hút lượng khách trong và ngoài nước. Hiện Tân Phú đang hướng tới phát triển các mô hình du lịch sinh thái, kết hợp với những đặc sản cây ăn trái, thủy hải sản nổi tiếng của địa phương.

Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch của H.Tân Phú, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng từng cho rằng, Tân Phú có nhiều tiềm năng để quy hoạch phát triển lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn của huyện với những lợi thế về rừng, hồ… Tân Phú cần khai thác những lợi thế sẵn có về tự nhiên và sản xuất nông nghiệp để phục vụ phát triển ngành du lịch, dịch vụ trong thời gian tới.

Giới thiệu đặc sản Làng bưởi Tân Triều tại Tuần lễ Văn hóa - du lịch - ẩm thực Đồng Nai năm 2020. Ảnh: HUY ANH
Giới thiệu đặc sản Làng bưởi Tân Triều tại Tuần lễ Văn hóa - du lịch - ẩm thực Đồng Nai năm 2020. Ảnh: HUY ANH

Cũng như H.Tân Phú, H.Vĩnh Cửu cũng có lợi thế về phát triển du lịch rừng, hồ kết hợp các đặc sản địa phương như: bưởi Tân Triều, các món ngon, cảnh đẹp trên hồ Trị An, những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ…Theo UBND H.Vĩnh Cửu, chủ trương phát triển du lịch sinh thái gắn với quảng bá sản phẩm nông nghiệp từ các mô hình sản xuất sạch được thực hiện những năm gần đây. Trong đó, một số điểm du lịch như Đảo Ó - Đồng Trường, Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, Di tích Trung ương Cục miền Nam, làng bưởi Tân Triều, làng hươu nai Hiếu Liêm nổi tiếng có nhiều tỷ phú… thu hút khá đông khách du lịch. Huyện đang tiếp tục khuyến khích người dân nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan nông thôn, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

* Xây dựng hình ảnh riêng

Là những địa phương có xuất phát điểm thuần nông, không có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên cũng như phát triển công nghiệp, dịch vụ nhưng những năm gần đây, TP.Long Khánh, Xuân Lộc vẫn được nhiều người biết đến với biệt danh “thủ phủ trái cây” của Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ. Trong đó, TP.Long Khánh nổi tiếng với mô hình du lịch sinh thái vườn tại các xã: Bình Lộc, Hàng Gòn, Bảo Quang, Xuân Tân, Xuân Lập…

Ông Trần Văn Lộc, chủ vườn trái cây Chú Lộc La (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, mùa thu hoạch trái cây ở Long Khánh giờ đây cũng trở thành mùa du lịch (tháng 5-9 hằng năm), thu hút hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài tỉnh. Với sự liên kết phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn, nông dân Long Khánh có thu nhập cao hơn so với sản xuất nông nghiệp thuần túy trước đây. Nhờ làm du lịch nên thái độ nông dân trong ứng xử cũng như ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn được nâng lên, diện mạo nông thôn nhờ đó có sự thay đổi so với những năm trước. Để phát triển du lịch bền vững vùng nông thôn, ông Lộc hiện đang triển khai tour du lịch tham quan kết nối vườn hoa bốn mùa, các chùa và một số vườn trái cây trên địa bàn TP.Long Khánh. “Tôi là người tiên phong triển khai thử nghiệm mô hình này trong năm nay, nếu thành công năm sau chúng tôi sẽ liên kết các nông dân để mở rộng khai thác. Tôi vừa có chuyến tham quan mô hình du lịch cộng đồng tại một số tỉnh miền Tây. Tôi thấy Long Khánh hoàn toàn có tiềm năng để làm du lịch như họ nên quyết định làm thí điểm trước. Hy vọng, mô hình mới sẽ thành công” - ông Lộc nhấn mạnh.

Du khách tham quan tại Lễ hội trái cây Long Khánh
Du khách tham quan tại Lễ hội trái cây Long Khánh. Ảnh: N.Liên

Là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh cũng như cả nước những năm qua đã tạo được những giá trị kinh tế từ những mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, H.Xuân Lộc hiện đang xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch địa phương. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện cho biết, Xuân Lộc là một huyện nông thôn miền núi nên thế mạnh là nông nghiệp. Những năm qua, Xuân Lộc tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp, các giống già cỗi để chuyển sang các loại cây trồng có giá trị cao được áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Quá trình thực hiện, các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, phù hợp với từng vùng đã góp phần tăng giá trị sản xuất, đời sống người dân được nâng lên.

 Bà Tiên cho biết, Xuân Lộc hiện đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gắn với các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như: mô hình lúa - bắp có diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 22 ngàn ha, với các cánh đồng bắp rộng; cánh đồng lúa xanh mướt, vàng óng trải dài dọc hai bên các tuyến đường giao thông đã được bê tông hóa, tập trung tại các xã Xuân Phú, Lang Minh, Xuân Thọ, Xuân Tâm, Xuân Bắc và Xuân Hưng. Đặc biệt vào mùa thu hoạch sẽ thấy được sự tấp nập của các máy tuốt bắp, máy gặt lúa và người nông dân hoạt động liên tục trên các cánh đồng. Ngoài ra, các mô hình nông nghiệp khác như mô hình trồng các loại rau sạch, rau trong nhà lưới với tổng diện tích trên 2 ngàn ha được sản xuất theo hướng chuẩn VietGAP tại các xã Xuân Phú, Xuân Hiệp, Xuân Bắc... các mô hình trồng hoa lan, hồ tiêu… cũng rất mới mẻ và hấp dẫn trong mắt du khách gần xa.

Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cuối năm 2019, Đồng Nai đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, khoảng cách phát triển giữa vùng nông thôn và đô thị được rút ngắn. Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước. Đến nay, nhiều thành quả đạt được từ chương trình NTM đã tạo điều kiện để Đồng Nai gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch, trong đó điểm nhấn là các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu tại các địa phương.

 

Quảng cáo