Nhật Bản có nhu cầu lớn đối với hàng nông lâm thủy sản, dệt may, da giày… của Việt Nam. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 19,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu các mặt hàng chủ lực là: hàng dệt may 3,5 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 2,4 tỷ USD, hàng máy móc thiết bị 2 tỷ USD, thủy sản 1,4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 1,3 tỷ USD…, ngoài ra xuất khẩu hàng rau quả 128 triệu USD, cà phê 181 triệu USD, sắn và sản phẩm từ sắn 1,4 triệu USD…
Trong những năm gần đây đang diễn ra làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật tăng cường xây dựng nhà máy, sản xuất sản phẩm ở Việt Nam rồi xuất khẩu ngược lại về Nhật Bản. Bên cạnh đó số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản cũng tăng nhanh trong một thập kỷ qua, khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng nông thủy sản – thực phẩm Việt Nam ngày càng gia tăng.
Để xuất khẩu thành công sang Nhật Bản doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường. Thị trường Nhật Bản có một số đặc điểm nổi bật như sau:
Tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính đặc thù
Mặc dù theo đuổi chính sách thương mại tự do (cắt giảm thuế quan theo tinh thần của WTO), Nhật Bản vẫn áp dụng các cơ chế phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Trong các rào cản như vậy, Chính phủ Nhật Bản thường lồng những lý do chính đáng như bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước những hành động thương mại không lành mạnh (chống bán phá giá, chống trợ cấp), bảo vệ an toàn sức khỏe con người, an toàn môi trường… Nhìn chung các hàng hóa thông thường được tự do nhập khẩu vào Nhật Bản, tuy nhiên Chính phủ Nhật áp dụng các biện pháp cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu, cấp giấy phép nhập khẩu… đối với các hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh lương thực, hàng hóa trái thuần phong mỹ tục hay vi phạm quy định bằng sáng chế, v.v…
Hàng hóa nước ngoài muốn được nhập khẩu vào Nhật bắt buộc phải có giấy chứng nhận việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng đã đặt ra. Đối với hàng nông lâm thủy sản cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, và đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS – Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật; trong khi hàng công nghiệp cần phải đáp ứng điều kiện về quy cách sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật, quy định ghi nhãn hay các quy định ghi trong JIS – Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản… Các lô hàng vi phạm quy định về chất lượng sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại, đồng thời hải quan Nhật Bản sẽ tăng cường tần suất và mức độ kiểm tra hàng hóa trong những lần sau, có thể gây ra nhiều phiền phức và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thực tế cho thấy nếu chất lượng của một sản phẩm đã được thị trường Nhật Bản chấp thuận thì sản phẩm đó hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt được ở các thị trường khác.
Hệ thống kênh phân phối phức tạp
Hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản phức tạp với truyền thống lâu đời gồm nhiều cấp khác nhau, với các chức năng riêng biệt. Ví dụ có những chuỗi siêu thị của Nhật Bản không nhập khẩu hàng trực tiếp từ nhà cung ứng nước ngoài, mà chỉ mua hàng từ các nhà bán buôn trung gian hoặc từ các đầu mối nhập khẩu lớn của Nhật Bản. Mặc dù việc này có thể gia tăng chi phí của các siêu thị (so với việc mua hàng trực tiếp từ nhà cung ứng nước ngoài) nhưng đây là một đặc tính lâu đời khó có thể thay đổi trong văn hóa kinh doanh tại Nhật Bản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu hàng vào thị trường Nhật phải thiết lập được mối quan hệ tốt với các đầu mối nhập khẩu lớn của Nhật Bản. Nhìn chung hiện nay việc tiếp cận hệ thống kênh phân phối hàng hóa trên thị trường Nhật Bản của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu do nhiều khó khăn đặc thù. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cho các công ty thương mại và các nhà bán buôn Nhật Bản, trong khi việc tiếp cận các kênh khác như hệ thống cửa hàng bán lẻ, các nhà chế biến công nghiệp còn rất hạn chế, nhất là hiện nay hầu hết các công ty Việt Nam chưa có hệ thống đại diện hoặc chi nhánh tại thị trường Nhật Bản.
Chi phí xúc tiến thương mại, giao thương, điều tra thị trường… đắt đỏ
- Chi phí ăn, ở: Tokyo nằm trong top các thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất thế giới năm 2020. Giá 1 đêm ở khách sạn business tối thiểu là hơn 1 triệu VND.
- Chi phí đi lại: Phí tàu điện cao (Ví dụ: vé trọn gói đi trong ngày của tàu điện ngầm trong khu vực trung tâm Tokyo là 600 Yên ~ 120.000 VND, của tàu điện thường là 900 yên ~ 180.000 VND, con số cao gấp khoảng 2 - 3 lần so với chi phí đi tàu điện ở Bắc Kinh, phí taxi khoảng 120.000 – 150.000 VND/2km, gấp 2 lần phí taxi ở Hàn Quốc).
- Chi phí vận tải hàng hóa, gửi hàng mẫu tốn kém, đặc biệt chi phí vận tải đường biển tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, chi phí đường hàng không tốn kém. Chi phí thuê điều tra hoặc mua dữ liệu thị trường của các công ty Nhật Bản chuyên điều tra thị trường cũng là rất cao.
Văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng đặc thù
- Thị hiếu tiêu dùng: từ trước đến nay đối với người dân Nhật Bản khi mua hàng thì chất lượng là yếu tố được quan tâm nhất. Các hàng hóa được sản xuất nội địa tại Nhật có chất lượng cao, điều này tạo ra tâm lý tiêu dùng của người Nhật luôn đòi hỏi các sản phẩm phải có chất lượng tốt, trong đó có các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Tiếp đến người Nhật cũng chú trọng đến giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng… của sản phẩm. Ví dụ: nhịp sống nhanh, công việc bận bịu khiến nhiều người ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm ăn liền tiết kiệm thời gian; màu sắc quần áo thường chủ đạo là những gam màu trắng, đen, xám…; đồ nội thất trong nhà có kích thước nhỏ để phù hợp với kích thước các căn nhà ở Nhật, bàn ghế gỗ có thể gập và cất gọn lại... Nhìn chung thị hiếu tiêu dùng của người Nhật rất đa dạng, coi trọng chất lượng và tính tiện dụng của sản phẩm nhằm đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn có chỗ đứng tại thị trường Nhật cần nghiên cứu tìm hiểu rõ về thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm cung với việc tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
- Về văn hóa kinh doanh của Nhật Bản, khi gặp gỡ đối tác Nhật lần đầu tiên thì doanh nghiệp Việt Nam cần nhớ mang theo danh thiếp, kèm theo catalogue, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu (nếu bằng tiếng Nhật là tốt nhất, hoặc ít nhất phải có tiếng Anh)… để giới thiệu lịch sự về bản thân, về doanh nghiệp và tạo niềm tin cho đối tác. Cần đảm bảo đúng giờ và giữ lời khi đã hứa hẹn một việc gì đó với đối tác. Ngoài ra nhiều nhân viên các công ty Nhật thường không làm việc vào những ngày cuối tuần/ngày nghỉ, và thường liên lạc công việc qua email hoặc điện thoại công ty chứ không phải bằng điện thoại di động.
- Bắt đầu thiết lập một quan hệ hợp tác kinh doanh hoàn toàn mới với doanh nghiệp Nhật Bản không hề đơn giản, nhiều trường hợp phải có sự giới thiệu của bên thứ ba uy tín thì doanh nghiệp Nhật mới tin tưởng để trao đổi. Và khi đã có mối quan hệ hợp tác với đối tác Nhật thì cần chú trọng duy trì mối quan hệ đó một cách lâu dài, bền vững. Ngoài ra trong quá trình đàm phán/trao đổi, đối tác Nhật có thể đưa ra các yêu cầu như thay đổi mẫu mã hoặc kích thước sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của người Nhật. Bởi vì hiểu rõ về thị trường nên các đối tác Nhật mới đưa ra yêu cầu thay đổi như vậy và doanh nghiệp Việt Nam nên cố gắng tích cực đáp ứng những yêu cầu đó. Nếu những đòi hỏi phía đối tác đưa ra quá khắt khe, doanh nghiệp Việt Nam có thể trao đổi lại một cách cụ thể với phía đối tác Nhật để tìm ra phương hướng giải quyết phù hợp nhất.
- Tận dụng các cam kết cắt giảm thuế trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...