Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản
Tại Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ cà phê mỗi giai đoạn đều có sự biến đổi, theo hướng càng ngày càng gia tăng. Lượng tiêu thụ cà phê tại Nhật hiện nay tăng gấp đôi so với những năm 2000, tăng trưởng mạnh lượng tiêu thụ tại các gia đình, công sở, cửa hàng cà phê…
 

Lịch sử và xu hướng tiêu thụ cà phê tại Nhật Bản

Cà phê lần đầu tiên được mang vào Nhật Bản từ thời Edo cách đây khoảng 200 năm. Ban đầu cà phê chưa được sử dụng đại trà mà được coi là thức uống chỉ dành cho giới thượng lưu. Phải đến thời kỳ kinh tế phục hồi sau chiến tranh và có sự phát triển ở mức cao, việc nhập khẩu, bán hàng và tiêu thụ cà phê tại Nhật Bản mới trở nên phổ biến và ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.

Tại Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ cà phê mỗi giai đoạn đều có sự biến đổi, theo hướng càng ngày càng gia tăng. Lượng tiêu thụ cà phê tại Nhật hiện nay tăng gấp đôi so với những năm 2000, tăng trưởng mạnh lượng tiêu thụ tại các gia đình, công sở, cửa hàng cà phê…

Tại Nhật Bản có 4 cách uống cà phê chủ yếu: cà phê hòa tan, pha thông thường, cà phê lon, cà phê đóng chai. Cà phê bán tại chuỗi cửa hàng tiện lợi (Family Mart, 7 Eleven, Lawson…) giá khoảng 30.000 VND/ly; bán tại chuỗi cửa hàng cà phê (Starbucks, Doutor, Tully’s…) giá khoảng 70.000 VND/ly. Tại các chuỗi cửa hàng đều bán nhiều loại cà phê (trên 20 loại hạt cà phê), thường có những menu đồ uống đặc biệt, hấp dẫn đáp ứng các nhu cầu, sở thích khác nhau của người tiêu dùng, và mỗi chuỗi có những chiến lược marketing riêng. Xu hướng cà phê giảm lượng cafein cũng được các chuỗi sử dụng để phục vụ người tiêu dùng thích uống vào ban đêm hoặc dành cho khách hàng là nữ giới.

Trong số hai loại hạt cà phê phổ biến nhất là arabica và robusta, arabica được coi là cao cấp hơn về hương thơm, mùi vị và chất lượng tổng thể và được sử dụng bởi hầu hết các quán cà phê và nhà hàng. Việc Chính phủ Nhật Bản nhiều lần ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 khiến các quán cà phê và nhà hàng trên toàn quốc phải đóng cửa, giáng đòn mạnh vào nhu cầu đối với cà phê arabica. Ngay cả khi tình trạng khẩn cấp đã được dỡ bỏ, lượng khách hàng tại các quán cà phê và nhà hàng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn như giai đoạn trước, khiến nhu cầu về cà phê arabica suy giảm. Ngược lại, nhu cầu đối với robusta - loại cà phê rẻ hơn và có vị đắng hơn, thường được sử dụng trong các sản phẩm cà phê hòa tan - tăng mạnh do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khiến mọi người ở nhà nhiều hơn. Xu hướng này đã giúp Việt Nam - nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới – vượt qua Brazil để trở thành nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất sang Nhật Bản trong năm 2020.  

Những thay đổi trong phong cách tiêu dùng cà phê cũng kéo theo những biến động trong hoạt động nhập khẩu cà phê của Nhật Bản thời gian qua.

Bảng 1. Top các nước xuất khẩu cà phê nhân sang Nhật Bản năm 2020

Quốc gia

Khối lượng (tấn)

So với 2019

Giá trị (triệu Yên)

So với 2019

Brazil

116.816

-25%

32.451

-25%

Colombia

60.430

-3%

22.602

8%

Việt Nam

100.311

15%

17.567

13%

Guatemala

26.771

-9%

10.511

1%

Ethiopia

25.012

-28%

8.084

-25%

Tổng

391.611

-10%

113.347

-10%

Nguồn: Hải quan Nhật Bản

Đối với cà phê nhân, năm 2020 Việt Nam xếp thứ 2 về khối lượng, xếp thứ 3 về giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong khi nước xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất sang Nhật Bản là Brazil ghi nhận mức giảm 25% về khối lượng, giảm 25% về giá trị thì Việt Nam ghi nhận mức tăng 15% về khối lượng, tăng 13% về giá trị.

Bảng 2. Top các nước xuất khẩu cà phê rang sang Nhật Bản năm 2020

Quốc gia

Khối lượng (tấn)

So với 2019

Giá trị (triệu Yên)

So với 2019

Thụy Sỹ

970

18%

3.876

86%

Hoa Kỳ

2.599

19%

3.388

18%

Anh

714

-24%

1.170

-26%

Italy

542

6%

972

21%

Mexico

684

45%

696

29%

Việt Nam

409

167%

567

245%

Tổng

7.367

3%

12.423

16%

Nguồn: Hải quan Nhật Bản

Đối với cà phê rang, năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê rang của Việt Nam sang Nhật Bản, với các mức tăng lần lượt là 167% và 245%.

Bảng 3. Top các nước xuất khẩu cà phê hòa tan sang Nhật Bản năm 2020

Quốc gia

Khối lượng (tấn)

So với 2019

Giá trị (triệu Yên)

So với 2019

Brazil

4.468

-1%

3.380

-7%

Việt Nam

2.870

21%

2.345

11%

Đức

443

15%

1.067

25%

Colombia

486

-10%

774

-13%

Malaysia

533

-21%

577

-33%

Tổng

10.700

2%

10.587

-3%

Nguồn: Hải quan Nhật Bản

Đối với cà phê hòa tan, năm 2020 Việt Nam xếp thứ 2 về khối lượng, xếp thứ 2 về giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong khi nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất sang Nhật Bản là Brazil ghi nhận mức giảm 1% về khối lượng, giảm 7% về giá trị thì Việt Nam ghi nhận mức tăng 21% về khối lượng, tăng 11% về giá trị.

Vấn đề lưu ý khi xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản

Việc nhập khẩu cà phê nhân vào thị trường Nhật Bản phải đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Luật Vệ sinh Thực phẩm, cũng như các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu theo Danh mục các hóa chất nông nghiệp được phép sử dụng tại Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng quan tâm và có độ nhạy cảm cao đối với chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Thuốc bảo vệ thực vật hay chất bảo quản sử dụng đối với sản phẩm cà phê phải được quản lý một cách thống nhất, an toàn trong mọi khâu từ trồng trọt, bảo quản, chế biến, đóng gói, vận chuyển cho đến xuất khẩu. Luật pháp Nhật Bản rất khắt khe đối với các trường hợp hàng nhập khẩu vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các trường hợp đã bị cảnh cáo trước đó mà vẫn để tái diễn vi phạm, Cơ quan Hải quan Nhật Bản sẽ yêu cầu tăng tần suất và mức độ kiểm tra bắt buộc đối với mọi lô hàng của mọi nhà xuất khẩu sản phẩm cùng loại từ quốc gia có vi phạm. Điều này có thể làm phát sinh rất nhiều thời gian và chi phí không cần thiết cho các nhà xuất khẩu và làm giảm sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam

Hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng cà phê sang Nhật Bản

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phát sinh từ đầu năm 2020 vẫn đang có những diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động trao đổi thương mại song phương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã và đang hết sức nỗ lực trong công tác xúc tiến và quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng thực phẩm Việt Nam tại Nhật Bản. Quy định hạn chế đi lại của nước sở tại khiến các đoàn doanh nghiệp Việt Nam không thể sang tham dự trực tiếp các hội chợ triển lãm tại Nhật Bản như trước đây, do vậy Thương vụ đã kêu gọi các doanh nghiệp gửi hàng mẫu để trưng bày tại gian hàng Thương vụ trong các sự kiện như FOODEX - Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm và đồ uống lớn nhất Nhật Bản, cũng như một số sự kiện chuyên ngành khác được tổ chức trong năm vừa qua. Thương vụ cũng tổ chức trưng bày hàng mẫu tại Phòng trưng bày nằm trong khuôn viên Đại sứ quán để giới thiệu tới khách Nhật mỗi khi đón họ tới thăm và làm việc. Ngoài ra, thông qua sự kết nối của Thương vụ, nhiều sản phẩm cà phê Việt Nam đã được giới thiệu tới các công ty, chuỗi siêu thị Nhật Bản có nhu cầu như AEON, OK… và được kỳ vọng sẽ được nhập khẩu chính thức vào Nhật Bản trong thời gian sắp tới.

Trong những năm gần đây số lượng các chuỗi siêu thị, các cửa hàng cà phê tại Nhật Bản có bán cà phê Việt Nam có xu hướng gia tăng. Cùng với sự gia tăng mạnh số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, sản phẩm cà phê pha sẵn uống liền hay cà phê rang xay cũng được các hệ thống cửa hàng đồ Việt bán rất nhiều. Điều này cho thấy các thương hiệu cà phê của Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng tại một thị trường khó tính và giàu tính cạnh tranh như Nhật Bản.

 
 
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Quảng cáo